Với lợi thế là "thủ phủ" công nghiệp, cửa ngõ phía Nam của thủ đô, Thường Tín có rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế. Kéo theo đó, thị trường bất động sản tại đây cũng đang hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.
Nguồn: cafef.vn
Thường tín hiện có 11 CCN trên địa bàn thu hút khoảng 800 doanh nghiệp và hộ sản xuất, kinh doanh vào hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 10.000 lao động. Trong đó, các CCN làng nghề thu hút khoảng 350 doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động với thu nhập bình quân khoảng 100 triệu đồng/người/năm. Hiện nay Thường Tín tiếp tục xây dựng, mở rộng 3 CCN mới, gồm: CCN Thắng Lợi, CCN Tiền Phong giai đoạn 2, CCN Ninh Sở giai đoạn 2.
Mới đây, Hà Nội đã lập phân khu 4 khu công nghiệp lớn trong đó Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Bắc Thường Tín (các xã Liên Phương, Văn Bình, Ninh Sở và Văn Phú, huyện Thường Tín), quy mô 112ha.. Như vậy, cùng với 11 khu công nghiệp hiện hữu, Thường Tín sẽ có thêm khu công nghiệp mới, tạo đà bứt trở thành trung tâm phát triển kinh tế của khu vực phía Nam.
Với lợi thế là "thủ phủ" công nghiệp của Hà Nội, Thường Tín có rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh khu Nam đang được đầu tư mạnh mẽ hạ tầng từ sân bay, cao tốc, quy hoạch thành phố phía Nam cho đến nâng cấp 2 huyện Thanh Trì, Thường Tín lên quận thì Thường Tín lại càng có nhiều đà bứt phá. Tuy nhiên, những năm qua Thường Tín dường như chưa phát triển đúng mức khi chỉ tập trung phát triển theo các cụm công nghiệp nhỏ lẻ, hộ gia đình phát triển, chưa kéo được những "đại bàng" lớn về đây đầu tư.
Dự báo về xu hướng phát triển của Thường Tín, các chuyên gia cho biết dư địa phát triển bất động sản của Thường Tín vẫn còn rất lớn đặc biệt là khi khu Nam Hà Nội đang có những quy hoạch bứt phá mạnh mẽ. Bởi, theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, Hà Nội đề xuất quy hoạch thành phố phía Nam theo mô hình đô thị sân bay, hình thành trung tâm đầu mối dịch vụ vận tải tổng hợp về đường không, đường sắt.
Đặc biệt, khu Nam Hà Nội sẽ chứng kiến sự bứt tốc từ huyện lên quận của 2 huyện Thanh Trì và Thường Tín. Trong đó, Thanh Trì sẽ lên quận vào năm 2025 và Thường Tín lên quận giai đoạn 2026-2030. Các chuyên gia đánh giá, khi 2 huyện này lên quận sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thị trường bất động sản phát triển. Đặc biệt, giá nhà đất tại Thường Tín sẽ có cơ hội bứt phá mạnh mẽ hơn Thanh Trì khi sở hữu quỹ đất lớn cùng tiềm năng phát triển khu công nghiệp lớn bậc nhất Hà Nội.
Đánh giá về thị trường bất động sản Thường Tín, các chuyên gia cho biết từ năm 2024 trở đi, Thường Tín sẽ là một trong các thị trường có khả năng tăng trưởng cao. Đặc biệt, thị trường chứng kiến những dự án mới đón đầu tiềm năng khu vực này như Him Lam Thường Tín. Cùng với đó, một số doanh nghiệp cũng đang có kế hoạch đầu tư loạt dự án nhà ở phục vụ khu công nghiệp tại đây.
"Xét toàn thị trường, Thường Tín đang là vùng hiếm của Hà Nội khi chưa bị cơn sốt đất vừa qua kéo. Tuy nhiên, trong tương lai chúng ta thấy sẽ có sự thay đổi rõ rệt, mặt bằng giá sẽ gia tăng khi hạ tầng được đầu tư đúng như kế hoạch. Và khi hạ tầng được xây dựng đồng bộ, câu chuyện tăng giá bất động sản đã từng xảy ra ở khu Đông Hà Nội trong suốt 5 năm qua sẽ tái diễn tại khu Nam Hà Nội trong 5 năm tới", ông Nguyễn Văn Đính – Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho biết.
Ông Đính cũng đánh giá thêm: "Thị trường bất động sản Hà Nội trong suốt 10 năm qua chủ yếu phát triển ở khu vực phía Tây rồi chuyển sang khu Đông, khu Bắc. Trong khi đó, khu Nam là cái tên ít được nhắc đến nhất trên thị trường bất động sản Hà Nội trong suốt thời gian sốt nóng những năm 2011 đến nay. Đây cũng là lý do khiến bất động sản khu Nam Hà Nội còn nhiều dư địa phát triển, đặc biệt khi khu vực này đón nhận những đột phá về hạ tầng giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn 2050".
Minh Anh